Các cấp đánh giá Sách_đỏ_Việt_Nam

Sách đỏ Việt Nam 2007 sử dụng tiêu chuẩn IUCN 2.3 của Sách đỏ IUCN 1994.[4]

Tuyệt chủng

Tuyệt chủng (Extinct - EX) khi không còn nghi ngờ về việc cá thể cuối cùng của taxon đó đã chết.

Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên

Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (Extinct in the wild - EW) khi chỉ còn được tìm thấy trong điều kiện gây trồng, nuôi nhốt hoặc chỉ là một (hoặc nhiều) quần thể đã tự nhiên hóa trở lại bên ngoài vùng phân bố cũ.

Bị đe dọa

Rất nguy cấp

Rất nguy cấp (Critically Endangered - CR) là khi taxon đang đứng trước một nguy cơ cực kỳ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai trước mắt.

Nguy cấp

Nguy cấp (Endangered - EN) thấp hơn Rất nguy cấp, nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ rất lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai gần.

Sẽ nguy cấp

Sẽ nguy cấp (Vulnerable - VU) thấp hơn Rất nguy cấp và Nguy cấp, nhưng đang đứng trước một nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai tương đối gần.

Ít nguy cấp

Ít nguy cấp (Lower risk - LR) là khi không đáp ứng bất cứ tiêu chuẩn nào của rất Nguy cấp, Nguy cấp và Sẽ nguy cấp, hạng này được chia làm ba hạng phụ nhỏ hơn.

Phụ thuộc bảo tồn

Phụ thuộc bảo tồn (Conservation dependent - cd) bao gồm các taxon đang là đối tượng của một chương trình bảo tồn liên tục, riêng biệt cho taxon đó hoặc nơi ở của nó; nếu chương trình này ngừng lại, sẽ dẫn tới taxon bị chuyển sang một trong các thứ hạng nguy cấp trong 5 năm.

Sắp bị đe dọa

Sắp bị đe dọa (Near threatened - nt) bao gồm các taxon không được coi là Phụ thuộc bảo tồn nhưng lại rất gần với Sẽ nguy cấp.

Ít lo ngại

Ít lo ngại (Least concern - lc) bao gồm các taxon không được coi là Phụ thuộc bảo tồn hoặc Sắp bị đe dọa.

Thiếu dẫn liệu

Thiếu dẫn liệu (Data deficient - DD) khi chưa đủ thông tin để có thể đánh giá trực tiếp hoặc gián tiếp về nguy cơ tuyệt chủng, căn cứ trên sự phân bố và tình trạng quần thể.

Không đánh giá

Không đánh giá (Not evaluated - NE) khi chưa được đối chiếu với các tiêu chuẩn phân hạng.